Giáo sư Morten Peter Meldal thuyết giảng về công trình “Click chemistry” đoạt giải Nobel năm 2022 tại ĐHQG TPHCM

Theo thư mời từ Ban tổ chức kỳ Olympic Hóa Học Toàn Quốc lần XI năm 2023, đoàn trường ĐHSPKT TPHCM về phía khách mời gồm thầy PGS.TS. Nguyễn Tấn Dũng (Trưởng khoa CNHH&TP) và cô PGS.TS. Võ Thị Ngà (Nguyên Trưởng khoa CNHH&TP); về phía dẫn đoàn tham dự gồm: thầy TS. Hoàng Minh Hảo (Trưởng đoàn), thầy TS. Nguyễn Tiến Giang (Phó trưởng đoàn), thầy TS. Nguyễn Phát Đạt (Phó trưởng đoàn) và 14 thí sinh dự thi; về phía giảng viên hưởng ứng tham gia gồm: cô TS. Nguyễn Linh Nhâm và thầy TS. Nguyễn Văn Quý đã tham dự lễ khai mạc kỳ thi Olympic hóa học toàn quốc 2023 vào lúc 13h30, ngày 18.04.2023 tại tòa nhà điều hành ĐHQG TPHCM.

Ảnh lưu niệm giữa tập thể giảng viên khoa CNHH&TP – Trường ĐHSPKT TPHCM với Giáo sư Morten Peter Meldal đã đoạt giải thưởng Nobel hóa học năm 2022
Ảnh lưu niệm đoàn trường ĐHSPKT TPHCM tham dự kỳ thi Olympic hóa học lần XI năm 2023
Ảnh lưu niệm giữa ban huấn luyện đội tuyển trường ĐHSPKT TPHCM với thầy PGS.TS. Nguyễn Trung Nhân Phó trưởng Ban tổ chức kỳ thi Olympic hóa học lần XI năm 2023

Sau khi làm lễ các nghi thức khai mạc cuộc thi Olympic hóa học lần XI năm 2023, toàn bộ quý đại biểu tham dự nói chung và tập thể nhà giáo, nhà khoa học Khoa Công nghệ hóa và Thực phẩm – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nói riêng đã được nghe Giáo sư Morten Peter Meldal, nhà Hóa học, Đại học Copenhagen, Đan Mạch  (Prof. Morten Peter Meldal, Department of Chemistry, University of Copenhagen, Denmark) thuyết trình về “Click chemistry”, công trình mà giáo sư đã dày công nghiên cứu trên 20 năm và từ đó mãi đến 20 năm sau mới đoạt giải Nobel năm 2022.

Ảnh ghi lại lúc GS. Morten Peter Meldal đang thuyết giảng “Hóa học Click”

Giải thưởng Nobel Hóa học năm 2022 vinh danh GS Morten P. Meldal cùng với GS Karl Barry Sharpless (Viện nghiên cứu Scripps, Mỹ) và GS Carolyn Ruth Bertozzi (Đại học Stanford, Mỹ) bởi các đóng góp đặt nền tảng cho “sự phát triển của Hóa học Click và Hóa học sinh trực giao”.

Khác với các “phản ứng trùng hợp và phản ứng trùng ngưng”, “Hóa học Click” hay “phản ứng Click” là các quá trình hóa học kết nối những phân tử cấu trúc nhỏ thành phân tử lớn hơn thông qua các nhóm chức một cách nhanh chóng và hiệu quả. Phản ứng Click có độ chính xác, độ chọn lọc, hiệu suất phản ứng cao, và không hình thành sản phẩm phụ.

Ảnh ghi lại lúc GS. Morten Peter Meldal đang thuyết giảng kết nối giữa các phân tử
Ảnh ghi lại lúc GS. Morten Peter Meldal trình chiếu khi nhận giải thưởng Nobel năm 2022.

Phản ứng Click có tính ứng dụng rất cao trong nhiều lĩnh vực như vật liệu polymer (tổng hợp các dendrimer – loại polymer giống như nhánh cây), trong sinh học (tổng hợp ghép các mạch polymer lên các đại phân tử như enzyme hay protein tạo thành các loại vật liệu lai có chức năng ứng dụng mạnh), hay trong y học (tổng hợp các polymer chức năng thay đổi hình dạng theo điều kiện môi trường như pH hay nhiệt độ…) bằng các phương pháp “ghép from” hay “ghép onto” lên các giá mang, công nghệ nano (quá trình biến tính bề mặt clay, silica, graphene).

Để biết thêm thông tin về bài thuyết giảng của GS. Morten P. Meldal xin mời mọi người xem đoạn Video Clip sau mà thầy PGS.TS. Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp lắng nghe và kịp ghi lại:

Bài thuyết giảng của GS. Morten P. Meldal về “Hóa học Click” đã mang lại động lực lớn, mang lại một năng lượng tích cực đến cho tập thể nhà giáo, nhà khoa học Khoa Công nghệ hóa và Thực phẩm – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhằm khơi gợi và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ khoa CNHH&TP phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, Bài thuyết giảng mang lại một giá trị đích thực cho các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực Hóa hữu cơ, Hóa dược gồm cô PGS.TS. Võ Thị Ngà, thầy TS. Hoàng Minh Hảo, thầy TS. Nguyễn Phát Đạt, cô TS. Nguyễn Linh Nhâm về phản ứng Click hay hóa học Click.

Cuối cùng thay mặt Đoàn Trường ĐHSPKT TPHCM, thầy PGS.TS. Nguyễn Tấn Dũng xin gửi lời cảm ơn đến thầy PGS.TS. Trần Lê Quan (Hiệu trưởng Trường Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TPHCM) – Trưởng BTC và thầy PGS.TS. Nguyễn Trung Nhân (Trưởng khoa Hóa học, Trường Khoa học Tự nhiện – ĐHQG TPHCM) – Phó trưởng BTC đã trân trọng mời. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn.

PV Tổng hợp – Hoài Anh