Hành trình từ khởi đầu đến giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng 2022

Hành trình nghiên cứu thật sự bắt đầu khi làm nghiên cứu sinh

Trong thời gian làm NCS ở Đài Loan, TS. Nguyễn Duy Đạt có cơ duyên được làm việc với Giáo sư Moo Been Chang tại Đại học Quốc Lập Trung Ương Đài Loan (National Central University), mội trong những giáo sư đầu ngành nghiên cứu về xử lý khí thải. Nhờ được tiếp xúc với kỹ thuật phân tích hiện đại tại Lab của Giáo sư, TS. Nguyễn Duy Đạt đã nghiên cứu vể những chất độc có trong hệ thống khí thải của lò đốt chất thải rắn, điển hình như polychlorinated naphthalenes (PCNs), Polychlorinated biphenyls (PCBs), Dioxins và chỉ ra rằng: PCNs cùng với các chất cực độc như Dioxins hay PCBs được sinh ra trong quá trình sử dụng nhiệt độ cao như luyện kim hoặc đốt chất thải rắn. Mặc dù các lò đốt và luyện kim luôn được trang bị hệ thống để xử lý triệt để các khí thải độc (SO2, NOx, bụi, …) nhưng đối với PCNs, Dioxins và PCBs thì chúng không loại bỏ được mà còn sinh ra thêm trong hệ thống này. Ngoài ra, nghiên cứu của TS. Nguyễn Duy Đạt chỉ ra các điều kiện mà các chất này hình thành trong hệ thống xử lý khí thải và tìm ra chế độ vận hành thích hợp cho việc loại bỏ và ngăn ngừa sự tạo thành các chất này. Đồng thời, qua việc đánh giá nhiều công nghệ xử lý khí thải khác nhau, nghiên cứu đã tìm ra công nghệ xử lý khí thải nào phù hợp, đơn giản để loại bỏ đồng thời các chất ô nhiễm cơ bản và các chất độc hữu cơ này. Ở Việt Nam, có nhiều quá trình sản xuất tương tự, có nguy cơ sinh các chất độc này, nhưng việc hạn chế sự hình thành và loại bỏ các chất này ra khỏi nguồn thải vẫn chưa được chú trọng nhiều.

TS. Nguyễn Duy Đạt khi còn làm NCS tại Đài Loan

Sau khi về Việt Nam, để tiếp tục hướng nghiên cứu cũ và có định hướng phù hợp hơn với tình hình ở Việt Nam, TS. Nguyễn Duy Đạt đã bắt đầu nghiên cứu về không khí xung quanh trước và muốn xác định nguồn chất độc hại nào đang gây nên tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Nghiên cứu sơ khởi là nghiên cứu về phân tích các chất độc như Dioxins, PAHs và nhóm chất khác. TS. Nguyễn Duy Đạt đã kết hợp với nhiều nhóm nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực gần với hướng nghiên cứu cũ tại Đài Loan, ví dụ như tầm soát và đánh giá sự có mặt của các chất ô nhiễm trong các thành phần môi trường như khí, đất, nước. Dựa vào đó, đánh giá ảnh hưởng của các chất ô nhiễm này lên hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người. Đồng thời dùng những công cụ kỹ thuật để chỉ ra nguồn gốc của các hợp chất này trong môi trường là từ đâu đến, kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp những thông tin hữu ích trong công tác quản lý và giảm thiểu phát thải.

Động lực nghiên cứu và một số thành tựu

Đối với TS. Nguyễn Duy Đạt, việc tự đặt ra câu hỏi và tìm hiểu câu trả lời cho những điều xảy ra xung quanh luôn là động lực để tìm tòi và nghiên cứu. Có những điều chúng ta thấy hằng ngày, cho rằng nó là tất nhiên, nhưng không hẳn là chúng ta hiểu chúng về mặt bản chất. Vì có sở thích là tìm hiểu và nắm bắt bản chất của những gì xảy ra xung quanh mình. Đồng thời, nghiên cứu và giải đáp những thắc mắc xung quanh đã giúp TS. Nguyễn Duy Đạt có điều kiện kết nối giữa những kiến thức trong sách vở và thực tế, điều này luôn có ích cho công việc nghiên cứu và giảng dạy. “Theo đó nghiên cứu những gì xảy ra bên ngoài cũng là hành trình khám phá bản thân, hiểu rõ bản thân mình hơn. Bởi vì nghiên cứu là một hoạt động đi tìm cái mới, cái chưa biết, nó không đơn thuần là một công việc cứ làm là sẽ ra kết quả. Để có một đề tài nghiên cứu đạt kết quả tốt, trong nhiều trường hợp đó phải là sự kết hợp hoàn hảo của thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đối với người làm để tài thì đó còn là sự thử thách bản thân trong một vài điều kiện không thuận lợi khác. Đôi khi, người làm nghiên cứu phải trải qua sự đánh đổi, sự gan lỳ, kết hợp với sự may mắn thì mới nếm được thành quả. Do đó, đó cũng là hành trình đánh thức tiềm năng và vượt qua bản ngã của chính mình”, TS Nguyễn Duy Đạt chia sẻ.

TS. Nguyễn Duy Đạt chụp hình lưu niệm cùng các nhà khoa học trình bày báo cáo tại Hội nghị DIOXIN 2019 tại Kyoto, Nhật Bản

TS. Nguyễn Duy Đạt rất tâm đắc với câu nói của một nhà nghiên cứu tại Việt Nam từng chia sẻ: “Động lực khám phá tri thức không phải lúc nào cũng bắt đầu bằng việc tìm kiếm những thay đổi vĩ đại, mà đơn giản ở niềm vui kết nối những chấm nhỏ trong vũ trụ bao la, dẫn dắt chúng xuyên suốt từng bối cảnh, qua lăng kính của Đời, của Người”.

Ngoài ra, trong khi làm đề tài tốt nghiệp NCS tại Đài Loan, TS. Nguyễn Duy Đạt cho biết đã từng mất ngủ 3 ngày vì khi chạy thử mẫu đầu tiên trong phòng lab bằng máy GC/MS và nó cho kết quả rất đẹp. “Đây là lần đầu tiên cuộc đời tôi cảm thấy vui đến vậy. Từ đó về sau tôi đã vùi đầu vào nghiên cứu, phân tích miệt mài, không mệt mỏi. Có lẽ cuộc đời của một nhà khoa học vui nhất chính là nhìn thấy những công trình nghiên cứu của mình thành công”, TS. Nguyễn Duy Đạt chia sẻ thêm.

TS. Nguyễn Duy Đạt tham gia diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019 tại Hà Nội

Sau khi có kết quả nghiên cứu, TS. Nguyễn Duy Đạt được mời tham gia Diễn đàn tri thức trẻ toàn cầu 2019, bài thuyết trình với đề tài “Nghiên cứu sự phân bố, nguồn thải và bước đầu đánh giá nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người của các hợp chất hydrocarbon vòng thơm(PAHs) trong không khí ở TP. HCM” của TS. Nguyễn Duy Đạt cùng cộng sự đã được đông đảo các nhà khoa học quan tâm bởi nó đánh giá được mức độ ô nhiễm, đặc điểm của các loại chất độc bền trong không khí ở TP HCM, qua đó đánh giá khả năng mức độ gây ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe con người, từ đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu phát thải. Hiện tại những bài báo viết về các đề tài trên được TS Nguyễn Duy Đạt đăng trên các tạp chí uy tín trong chuyên ngành môi trường như Chemosphere, Environmental Pollution, Environmental Technology & Innovation, …

Năm 2022, TS. Nguyễn Duy Đạt là 1 trong 2 gương mặt đạt được giải thưởng Quả cầu vàng 2022 trong lĩnh vực Công nghệ môi trường và là 1 trong 10 gương mặt xuất sắc đạt giải thưởng Quả cầu vàng 2022.

Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng 2022

Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng là giải thưởng cao quý do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm, nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ xuất sắc không quá 35 tuổi đang trong học tập, nghiên cứu khoa học, làm việc ở trong và ngoài nước thuộc năm lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y-dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường và Công nghệ vật liệu mới.

TS. Nguyễn Duy Đạt từng chia sẻ với ban tổ chức giải thưởng: “Đối với tôi, việc tự đặt ra câu hỏi và tìm hiểu câu trả lời cho những điều xảy ra xung quanh luôn là động lực để tôi tìm tòi và nghiên cứu. Có những điều chúng ta thấy hằng ngày, cho rằng nó là tất nhiên, nhưng không hẳn là chúng ta hiểu chúng về mặt bản chất. Tôi thích tìm hiểu và nắm bắt bản chất của những gì xảy ra xung quanh mình. Đồng thời, nghiên cứu và giải đáp những thắc mắc xung quanh giúp tôi có điều kiện kết nối giữa những kiến thức trong sách vở và thực tế, điều này luôn có ích cho công việc giảng dạy. Theo tôi, nghiên cứu những gì xảy ra bên ngoài cũng là hành trình khám phá bản thân, hiểu rõ bản thân mình hơn. Bởi vì nghiên cứu là một hoạt động đi tìm cái mới, cái chưa biết, nó không đơn thuần là một công việc cứ làm là sẽ ra kết quả. Để có một đề tài nghiên cứu đạt kết quả tốt, trong nhiều trường hợp đó phải là sự kết hợp hoàn hảo của thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đối với người làm để tài thì đó còn là sự thử thách bản thân trong một vài điều kiện không thuận lợi khác. Đôi khi, người làm nghiên cứu phải trải qua sự đánh đổi, sự gan lỳ, kết hợp với sự may mắn thì mới nếm được thành quả. Do đó, đó cũng là hành trình đánh thức tiềm năng và vượt qua bản ngã của chính mình. Giải thưởng khoa học công nghệ QCV là giải thưởng cao quý ghi nhận những tâm huyết và thành tích đóng góp của các nhà khoa học trẻ từ nhiều lĩnh vực, và khi nhận được kết quả tôi là một trong 10 trí thức trẻ nhận giải thưởng, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự, xúc động và tự hào và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc truyền lửa, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ham mê nghiên cứu”, TS. Nguyễn Duy Đạt chia sẻ.

TS. Nguyễn Duy Đạt nhận giải thường Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng 2022